Để doanh nghiệp gia nhập thị trường thuận lợi hơn

Thứ tư - 07/06/2017 08:45
Để doanh nghiệp gia nhập thị trường thuận lợi hơn
Để doanh nghiệp gia nhập thị trường thuận lợi hơn

Để doanh nghiệp gia nhập thị trường thuận lợi hơn


Ảnh: VGP/Huy Thắng
Ảnh: VGP/Huy Thắng

Các cơ quan đã phối hợp liên thông với nhau để giảm thiểu thời gian giải quyết công việc, rút ngắn thời gian giải quyết 3 thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và cấp giấy phép khắc dấu từ 32 ngày xuống còn 15 ngày đối với thành lập mới doanh nghiệp (DN) và 12 ngày đối với thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện và thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.

Đây là một thông tin tại Hội nghị do Bộ Tài chính phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đánh giá 10 năm công tác phối hợp đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế mới đây.

Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đánh giá, trong 10 năm (2007-2017) đã đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung và thủ tục gia nhập thị trường cho DN nói riêng. Điều này đã được người dân, cộng đồng DN cũng như các tổ chức quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong suốt giai đoạn này đều cho thấy những cải thiện rõ rệt nhất ở lĩnh vực “Gia nhập thị trường” và luôn là lĩnh vực dẫn đầu bảng xếp hạng các chỉ số PCI trong 10 năm liên tiếp.

Sau 10 năm vừa triển khai vừa đúc rút kinh nghiệm, bài học, đến nay, công tác phối hợp giữa hai ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, hướng đến một mục tiêu chung là cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, DN khi thực hiện thủ tục đăng ký DN.

Về phía cơ quan đăng ký kinh doanh, bà Trần Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, quá trình phối hợp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan Thuế được chính thức hóa lần đầu tiên kể từ năm 2007 khi Liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư-Công an-Tài chính ban hành Thông tư 02/2007/TTLT/BKH-BTC-BCA và sau đó là Thông tư 05/2008/TTLT/BKH-BTC-BCA hướng dẫn cơ chế phối hợp giải quyết 3 thủ tục đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và cấp giấy phép khắc dấu theo hướng hợp lý hóa các khâu tổ chức thực hiện 3 loại thủ tục này với cơ chế ‟một cửa”.

Cũng từ đó, các cơ quan đã phối hợp liên thông với nhau để giảm thiểu thời gian giải quyết công việc giúp rút ngắn thời gian giải quyết 3 thủ tục này từ 32 ngày xuống còn 15 ngày đối với thành lập mới DN và 12 ngày đối với thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện và thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.

Từ năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2010/NĐ-CP về đăng ký DN, theo đó đã thống nhất nội dung về đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế trong một bộ hồ sơ duy nhất nộp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư; sử dụng hệ thống mã số thuế của DN làm mã số đăng ký kinh doanh nhằm đơn giản hóa và giảm thời gian thực hiện cả 2 thủ tục cho DN xuống còn 5 ngày làm việc.

Dù đạt được nhiều kết quả khả quan, đại diện 2 cơ quan đăng ký và thuế cho rằng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục, “dư địa” cho cải cách vẫn còn.

Theo đó, hiện nay mới có 28/63 tỉnh, thành phố thực hiện cấp mã số DN tự động. Điều này chưa thực hiện đầy đủ quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-BKHĐT-BTC, Quyết định số 2845/QĐ-BTC khiến cho việc tuân thủ quy định về thời hạn cấp đăng ký DN tại Luật DN gặp nhiều khó khăn.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN và cơ sở dữ liệu tại Hệ thống thông tin thuế vẫn chưa hoàn toàn được đồng bộ. Ví dụ, một số DN đã hoàn thành thủ tục giải thể tại cơ quan đăng ký kinh doanh theo hình thức thu hồi bắt buộc nhưng tại cơ quan thuế không tiến hành xử lý được do còn nợ thuế nên cũng dẫn đến việc chênh lệch và không thống nhất được số liệu DN.

Trong khi đó, có những doanh nghiệp thực tế không còn hoạt động hoặc không còn tồn tại trong một thời gian dài, tuy nhiên do quy định của ngành thuế trong xử lý thu hồi nợ nên các DN nói trên dù đã qua thực hiện rà soát nhưng cũng không thể xử lý chấm dứt được dẫn tới số lượng DN ngày một tăng cao.

Sự phối hợp, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động và vi phạm pháp luật của DN giữa các cơ quan chức năng trên địa bàn cho cơ quan đăng ký kinh doanh (trừ cơ quan thuế) chủ yếu thực hiện theo phương thức thủ công do các ngành chưa xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để thuận tiện trong trao đổi thông tin cũng làm hạn chế trong việc xử lý kịp thời hành vi vi phạm của DN.

Về bài học kinh nghiệm sau quá trình hợp tác, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng, cần phải chuẩn hoá quy trình, pháp lý hoá phải đi trước một bước, sau đó là ứng dụng công nghệ. Cần phải ứng dụng triệt để hệ thống công nghệ thông tin trong quá trình phối hợp. Mặc dù ở thời điểm xuất phát, có sự chênh lệch lớn về nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin giữa hai ngành, nhưng lãnh đạo hai ngành vẫn quyết tâm đưa công nghệ thông tin là mũi nhọn trong quá trình phối hợp.

Việc hai ngành thuế và đăng ký kinh doanh nâng cao hiệu quả hợp tác sẽ tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký DN, đồng thời tăng cường hiệu qủa quản lý nhà nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng mô hình cơ quan nhà nước phục vụ, kiến tạo, hành động.


http://baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đối tác  
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây