Liều thuốc nào cho Việt Nam giữa cuộc chiến thương mại và chu kỳ khủng hoảng

Thứ tư - 11/07/2018 05:27
Liều thuốc nào cho Việt Nam giữa cuộc chiến thương mại và chu kỳ khủng hoảng

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang "nóng" lên kéo theo lo ngại về cuộc chiến tiền tệ. Các dấu hiệu đẩy nhanh chu kì suy thoái kinh tế cũng đã xuất hiện.

Lo ngại cuộc chiến tiền tệ

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Vụ trưởng Vụ Chiến lược Phát triển (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng kinh tế thế giới đang có nhiều biến động có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Liều thuốc nào cho Việt Nam giữa cuộc chiến thương mại và chu kỳ khủng hoảng - Ảnh 1.

Thứ nhất, giá dầu mỏ tăng, nguyên vật liệu cơ bản cũng có xu hướng tăng không chỉ do nhu cầu mà còn bởi những bất ổn kinh tế và chính trị khác.

Thứ hai, xung đột thương mại ngày càng hiện hữu làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư vào các khu vực mới nổi.

Thứ ba, Mỹ điều chỉnh lãi suất cùng với xu hướng cắt giảm mua tài sản của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và châu Âu khiến cho lãi suất có khả năng tăng lên. Theo đó, tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền sẽ gặp biến động.

Đặc biệt, theo ông Nghĩa cuộc chiến thương mại rất có thể sẽ dẫn đến cuộc chiến tranh tiền tệ. "Các đối thủ có thể né tránh cuộc chiến thương mại bằng một cuộc chiến tiền tệ và có thể khiến cho nền tài chính toàn cầu có những biến động lớn", vị chuyên gia nhận định.

Lấy dẫn chứng, ông Nghĩa cho biết, Trung Quốc phá giá nhân dân tệ (NDT) 3% trong tháng 6. Một số nước châu Mỹ La tinh cũng tương tự. Các nước Đông Nam Á có những biên động về lãi suất và tỷ giá thời gian gần đây. Tăng trưởng kinh tế châu Âu, Nhật bản, Trung Quốc đang có chiều hướng chững lại. Điều này có thể tác động trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam và tỷ giá hối đoái của Việt Nam Đồng (VND).

Hiện nay cuộc chiến thương mại đang vào giai đoạn "gay cấn", Mỹ tiếp tục công bố danh sách các mặt hàng áp thuế lên tới 200 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, ông Nghĩa chỉ ra, cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kì có thể là cản trợ lớn đối với khả năng thực hiện các chính sách đối đầu thương mại của Tổng thống Trump. Sau tháng 11 rất có thể xu hướng bảo hộ mậu dịch và biệt lập sẽ bị hạn chế đáng kể do Quốc hội mới được dự báo là sẽ không ủng hộ chính sách đó.

Nhìn lại, vị chuyên gia cho rằng khả năng xung đột chỉ diễn ra ở quy mô nhất định. Cuộc chiến thương mại có thể làm tổn thương lòng tin của các nhà đầu tư nhưng không quá lo ngại có thể dẫn tới các bất ổn tài chính lớn.

Xuất hiện dấu hiệu đẩy nhanh chu kì suy thoái

Ngoài chiến tranh thương mại, kinh tế thế giới trong đó có Việt Nam còn phải đối mặt với chu kỳ suy thoái kinh tế. Ông Nghĩa cho rằng hiện nay đã xuất hiện những yếu tố có thể đẩy nhanh chu kỳ này.

Vị chuyên gia chỉ ra xung đột thương mại để bảo vệ thị trường do nguồn cung dư thừa hoặc xung đột tiền tệ để chiếm lợi thế về xuất khẩu hàng hoá và giảm thâm hụt cán cân vãng lai.

Bong bóng của thị trường tài sản như là bất động sản, chứng khoán cũng đã xuất hiện. Tình trạng rút vốn ở một số thị trường mới nổi có thể dẫn đến bất ổn tiền tệ ở một số nước. Trên thực tế, bất ổn từ việc rút vốn này đã xuất hiện ở châu Mỹ La tinh và một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Trong vòng 6 tháng quá, vốn ngoại rút khỏi Thái Lan gần 4 tỷ USD, Malaysia gần 2 tỷ USD và Việt nam cũng đang có hiện tượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài.

Dù có nhiều lo ngại nhưng theo ông Lê Xuân Nghĩa, hiện nay, các ngân hàng trung ương và hệ thống ngân hàng toàn cầu đều được kiểm soát chặt chẽ. Chế độ tỷ giá hối đoái của hầu hết các nước trong khuôn khổ WTO về cơ bản đã được thả nổi hoặc linh hoạt. Vì vậy ít có quốc gia nào bị thâm hụt cán cân vãng lai nghiêm trọng như các cuộc khủng hoảng trước đây.

Các bong bóng tài thị trường tài sản đã xuất hiện nhưng cũng đang được kiểm soát tốt hơn.

"Liều thuốc" tái cơ cấu kinh tế cho Việt Nam

Theo ông Nghĩa, điều quan trọng nhất để giảm thiểu các tác động của suy thoái có tính chu kỳ đối với Việt Nam là phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế. Đặc biệt là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước, theo nguyên tắc sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực tài chính có hạn vào những mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.

Các chương trình tái cấu trúc này hiện đang gặp trở ngại rất lớn cả về khung khổ pháp lý, năng lực thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh.

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng nhưng tiến trình tái cơ cấu vẫn còn khá chậm chạp và kết quả khiêm tốn so với mục tiêu đề ra.

"Nếu các chương trình cải cách này không được xúc tiến mạnh mẽ, không những hiệu ứng của suy thoái kinh tế mang tính chu kỳ trầm trọng hơn mà tiềm năng phát triển dài hạn cũng sẽ bị suy giảm", ông Nghĩa nhận định.

Nguồn tin: Người đồng hành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đối tác  
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây